Luật bàn thắng trên sân khách, được UEFA áp dụng từ năm 1965, nay đã trở nên lỗi thời, và dưới đây là lý do tại sao.
Hôm thứ Năm, trong một cuộc gặp gỡ của các HLV quốc tế tên tuổi tại Nyon, Thụy Sĩ, cựu HLV Man United Sir Alex Ferguson đã xác nhận vấn đề luật bàn thắng sân khách đã được đưa ra thảo luận. “Đã nổ ra tranh luận về tầm quan trọng của bàn thắng sân khách ngày nay”, Ferguson nói. “Một số người nghĩ nó không còn quan trọng như trước kia”. Arsene Wenger đồng ý với điều đó: “Gánh nặng của bàn thắng sân khách quá lớn v à không công bằng, tôi cho rằng đó là một vấn đề của bóng đá hiện đại”.
5. Nó đã lỗi thời
Ban đầu, luật bàn thắng sân khách là một mũi tên trúng hai đích: giải quyết các trận đấu hòa và khuyến khích lối chơi tấn công trên sân khách, khi mà các chuyến du đấu hồi những năm 1960 là rất khó khăn, và các đội khách có khuynh hướng phòng ngự quá bảo thủ.
Sir Alex kịch liệt phản đối luật bàn thắng sân khách
Nhưng những ngày đó đã là quá khứ, theo lời Ferguson. “Nếu chúng ta trở lại 30 năm trước”, HLV người Scotland nói. “Ngày đó các đội chỉ phản công với 1-2 cầu thủ, còn ngày nay các pha phản công bao gồm 5-6 người, với lối chơi tốc độ, tích cực. Một vấn đề khác là điều kiện sân bãi, ngày nay các sân bóng đều rất lý tưởng, nên chuyền bóng dễ hơn nhiều so với 30 năm trước, và các đội ngày nay chơi phản công giỏi hơn so với 30 năm trước”.
4. Phản tác dụng
“Đôi khi tôi nghĩ luật bàn thắng trên sân khách phản tác dụng khi các đội chơi trên sân nhà tìm cách không để thủng lưới”, Wenger nói. “Trên sân nhà, điều đầu tiên mà một HLV yêu cầu là không để thua”. Ferguson đồng ý: “Từ quan điểm cá nhân, khi chơi trên sân nhà, tôi thường tự nhủ: trước hết phải không để thua”.
3. Không công bằng
Tháng 3 vừa rồi, Paris Saint-Germain đánh bại Chelsea 3-1 ở trận lượt đi tứ kết Champions League tại Parc des Princes. Tuy nhiên, Chelsea vẫn đi tiếp sau khi thắng lại 2-0 nhờ những bàn của Andre Schurrle và Demba Ba ở Stamford Bridge. Sau 180 phút thi đấu phải nói là cân tài cân sức, tỉ số phản ánh đúng cục diện là 3-3, nhưng Chelsea, nhờ bàn an ủi của Eden Hazard ở Paris, giành vé vào bán kết. Đó là một kịch bản xảy ra gần như mỗi mùa bóng, rất bất công và phi logic. 1 bàn thắng phải có giá trị như nhau, dù nó được ghi ở đâu.
2. Hiệp phụ thì sao?
Luật bàn thắng sân khách đặc biệt trở nên khó hiểu trong thời gian hiệp phụ ở các trận đấu mà sau 180 phút vẫn chưa thể phân định đội nào sẽ đi tiếp. Hãy lấy ví dụ trận tứ kết Napoli-Chelsea năm 2012. Sau thất bại 1-3 ở Italia, Chelsea thắng lại 3-1 ở lượt về tại Stamford Bridge, rồi Branislav Ivanovic ấn định chiến thắng cho The Blues ở phút 105. Nhưng nếu Napoli ghi bàn ở phút 110 thì sao? Tỉ số sẽ là 5-5, nhưng đội bóng Italia đi tiếp nhờ bàn thắng sân khách! Nếu UEFA vẫn quyết giữ luật bàn thắng sân khách, ít ra họ nên bỏ luôn hiệp phụ và đưa hai đội tới chấm luân lưu. Tại sao một đội chơi 120 phút với lợi thế ghi bàn sân khách, trong khi đội kia chỉ có 90 phút?
1. Khiến chiến thuật trở nên dễ đoán
Bạn sẽ rất thích thú trước các thay đổi chiến thuật bất ngờ của các HLV ở những trận đấu lớn. Nhưng luật bàn thắng sân khách khiến cho các chiến lược gia đều vào cuộc trong các trận loại trực tiếp như nhau: cố gắng không thua sân nhà và tìm kiếm bàn thắng sân khách.
Theo Bóng Đá Plus